Ngày 17/3, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội thảo quốc gia Công tác lý luận của Đảng và những định hướng nghiên cứu quan trọng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu tại hội thảo, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú cho biết thời gian qua Đảng ban hành nhiều văn bản nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lý luận. Bên cạnh những thành tựu, công tác lý luận còn một số hạn chế, bất cập. Nhiều vấn đề chưa được nghiên cứu toàn diện, giải quyết thấu đáo, một số vấn đề mới, khó chưa được làm sáng tỏ.
Cụ thể, nhận thức lý luận về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa thực sự đầy đủ và hệ thống. Nhận thức phát triển văn hóa, xã hội, con người chưa bao quát hết phạm vi rộng lớn, tính đa dạng và phong phú trong bối cảnh xã hội có nhiều biến đổi nhanh chóng hiện nay.
Nhận thức lý luận về bảo vệ Tổ quốc và sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quốc phòng, an ninh và lực lượng vũ trang chưa thật sự hoàn chỉnh.
Lý luận về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, Đảng cầm quyền trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa về cả khái niệm, nội dung, mô hình, phương thức thực hiện; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa... chưa được nghiên cứu hệ thống, luận giải đầy đủ, sâu sắc.
Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú. Ảnh: Hoàng Phong
Theo Thường trực Ban Bí thư, đất nước đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới, mở ra những vận hội to lớn nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi không ngừng đổi mới, có cách làm mới, đột phá trong nhận thức lý luận. Trước mắt, phải thực hiện quyết liệt, thắng lợi các mục tiêu chiến lược, đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.
"Yêu cầu công cuộc đổi mới hiện nay đòi hỏi chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào sự thật, chỉ rõ những yếu kém, bất cập, nguyên nhân, nhận diện rõ những điểm nghẽn, nút thắt trong lý luận và nhận thức lý luận, không ngừng tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận, chỉ rõ vấn đề mới, đâu là cơ hội lớn cần tận dụng, đâu là thách thức lớn cần vượt qua", Thường trực Ban Bí thư nói.
Vì vậy, ông mong muốn các đại biểu dự hội thảo làm rõ nhận thức lý luận của chủ nghĩa xã hội Việt Nam và đường lối đổi mới đất nước giai đoạn mới. Cụ thể cần làm rõ nhận thức về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, các bước trung gian, quá độ; nội hàm của mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nội dung khác cần làm rõ như khái niệm lý luận về đường lối đổi mới thể hiện tầm nhìn, mục tiêu, mô hình, phương thức phát triển; quan điểm chỉ đạo đổi mới; khái niệm trụ cột và khẳng định các trụ cột (nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa). Các nhiệm vụ chủ yếu cần thực hiện trong từng giai đoạn phát triển; các điều kiện cần và đủ để thực hiện mục tiêu hoàn thiện cơ bản lý luận về đường lối đổi mới cũng cần làm rõ.
Trong phát triển khoa học và công nghệ, ông Tú nhấn mạnh cần nhận thức rõ điểm nghẽn, nút thắt cản trở sự phát triển; vấn đề nhận thức khoa học và công nghệ là động lực chủ yếu để phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời có tác động dẫn đến sự thay đổi của quan hệ sản xuất.
Thường trực Ban Bí thư cũng đề nghị các nhà khoa học làm rõ hơn phương thức lãnh đạo của Đảng cần bổ sung thế nào trong cuộc cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ tư. "Đảng sẽ lãnh đạo sự phát triển dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo bằng công cụ gì; Đảng phải tổ chức xây dựng như thế nào để có thể lãnh đạo đất nước trong quá trình chuyển đổi số; Đảng cần lực lượng gì để có thể lãnh đạo, kiểm tra, giám sát những thay đổi do các công nghệ mới đem lại như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT)", ông Tú nêu vấn đề.
Ngoài ra, mạng xã hội đang trở thành những thế lực quyền lực tiềm ẩn với đời sống tư tưởng của hàng triệu người Việt Nam trong và ngoài nước. Các cơ quan phải làm gì để bảo vệ tư tưởng của Đảng trong thế giới ảo do con người và trí tuệ nhân tạo tạo nên?
Theo GS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, lịch sử cho thấy điểm khởi đầu của tiến trình đổi mới chính là tư duy. Đổi mới tư duy lý luận đi trước một bước, định hướng chiến lược cho chủ trương, chính sách trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị...
Từ những thành tựu và hạn chế sau hơn 10 năm thực hiện nghị quyết 37 năm 2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030, ông Thắng cho rằng cần rút ra bài học xử lý hài hòa mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới; giữa kế thừa và phát triển. Các cơ quan cần tạo môi trường nghiên cứu dân chủ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát huy trí tuệ của đội ngũ nhà nghiên cứu lý luận, nhà hoạch định chính sách; mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa tri thức nhân loại phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến tại hội thảo để bổ sung, nâng cao chất lượng đề án tổng kết 10 năm tổng kết nghị quyết 37 và trình Bộ Chính trị trong tháng 3.
Vũ Tuân